TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG, VIÊM DA NỔI CỤC CHO ĐÀN GIA SÚC
Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nên dễ
tạo môi trường cho virus lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục phát triển,
dịch tả lợn châu phi và gây bệnh trên đàn gia súc. Đây là bệnh nguy hiểm có thể
nhanh chóng bùng phát thành dịch, gây thiệt hại kinh tế cho các hộ dân chăn
nuôi gia súc. Bệnh Lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục ở gia súc là một bệnh
truyền nhiễm cấp tính xảy ra trên động vật như trâu, bò, lợn, dê, cừu,… Khi con
vật mắc bệnh dễ dẫn đến tỷ lệ chết lên đến 50%, đặc biệt đối với lợn con thì tỷ
lệ chết có thể lên đến 100%.
* Đường truyền lây:
- Lây trực tiếp: Gia súc khỏe tiếp xúc trực tiếp với gia
súc mắc bệnh Lở mồm long móng và các chất bài tiết của gia súc mắc bệnh hoặc
gia súc mang mầm bệnh có chứa virus như: phân, nước tiểu, nước bọt, sữa, ruồi
muỗi, ve mòng.
- Lây gián tiếp: Thông qua vận chuyển, buôn bán gia
súc từ vùng đang có dịch sang vùng chưa có dịch (truyền qua dụng cụ chăn nuôi,
bảo hộ lao động, phương tiện vận chuyển, …) có chứa mầm bệnh.
* Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh:
- Khi chưa có dịch Lở mồm long móng xảy ra: Thực hiện quy
trình chăn nuôi an toàn sinh học. Mua con giống khỏe mạnh, biết rõ nguồn gốc từ
vùng không có dịch bệnh Lở mồm long móng, chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh thú
y, thường xuyên quét dọn sạch sẽ, định kỳ tiêu độc, khử trùng, diệt ve, mòng,
ruồi muỗi mỗi tuần ít nhất 01 lần. Kết hợp chăm sóc nuôi dưỡng tốt, khẩu phần
thức ăn gia súc phải đầy đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết cho từng giai đoạn
phát triển của gia súc. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng các bệnh
truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc: Đặc biệt là bệnh Lở mồm long móng, bệnh
viêm da nổi cục. Tiêm phòng hai lần trong một năm, lần thứ nhất cách lần thứ
hai sáu tháng; lần thứ nhất tiêm vào tháng 3 - 4, lần thứ hai tiêm vào tháng 8
- 9.
- Khi phát hiện gia súc của gia đình mắc bệnh người chăn
nuôi cần thực hiện:
+ Khai báo ngay với UBND thị trấn hoặc Trưởng khu phố.
+ Không giết mổ, bán chạy gia súc mắc bệnh và gia súc
nhốt chung đàn với gia súc mắc bệnh.
+ Nuôi cách ly gia súc mắc bệnh theo quy định, thực hiện
vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo quy định.
+ Chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của chính
quyền địa phương và Quy định của pháp luật về thú y. Đồng thời người chăn nuôi
gia súc phải thực hiện tốt 6 không: Không giấu dịch; Không bán chạy gia súc bị
bệnh; Không vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc bị bệnh; Không ăn thịt gia
súc ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; Không ăn tiết canh gia súc bị bệnh; Không
vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường xung quanh, phải tiêu hủy theo quy
định./.